Ngư dân thoát án tử thần

01:20
blogger templates
(Alotin.com) - Với ngư dân, biển cả chính là ngôi nhà thứ hai. Thuở còn thơ, biển là nơi vẫy vùng mỗi buổi sớm chiều. Khi họ lớn lên biển là nguồn sống, là nơi kiếm kế sinh nhai. Chàng trai trẻ có làn da rám nắng Lê Quang Minh cũng không nằm ngoài điều đó. 




Minh theo cha đi biển từ năm 16 tuổi, từng con sóng lớn như chực chờ đánh chìm chiếc thuyền đánh cá. Những ngày lênh đênh trên biển là những ngày Minh hiểu rõ sự nguy hiểm mà trước đây cha anh đã trải qua.



Cũng như bao chuyến đi biển khác, lần này, thuyền của Minh dừng lại đánh bắt ở gần đảo Trường Sa lớn. Trong chuyến đi ngày hôm ấy, Minh đã gặp phải sự cố. Ông bà xưa có câu “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” và Minh đang ở độ tuổi ấy. Trước khi lặn, Minh đã cảm thấy sốt, khó thở nhưng nghĩ chỉ cảm nhẹ như những lần trước nên Minh vẫn tiếp tục lặn biển. Ai ngờ lần nhảy xuống ấy đã đưa chàng trai đến cửa ngõ tử thần, anh bất ngờ phát bệnh, không thở được dưới nước, chới với trên biển cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người.




Với kinh nghiệm hàng chục năm lênh đênh trên biển nhưng chưa khi nào ngư dân gặp phải tình huống này. Khi được cứu lên thuyền, nhịp thở của Minh yếu dần đi, từng cơn đau kéo đến dữ dội khiến anh không thở được. Cơ thể dần tím tái, rồi bất tỉnh, hôn mê sâu. Chiếc tàu cá đang lênh đênh trên biển buộc trở lại bệnh xá đảo Trường Sa. Dù cách xa đảo, biển động nhưng thuyền trưởng vẫn khẩn trương đạp sóng vào bờ.



Anh Lê Quang Minh, nạn nhân kể lại: “Chiều hôm đó em bị sưng quai hàm dẫn đến đau, tức ngực và khó thở. Lúc phát bệnh, em bị hôn mê, không biết gì nữa. Hai ba ngày sau, bệnh càng lúc càng nặng thêm nên thuyền trưởng mới chở vào đảo. Bác sĩ trên đảo cấp cho thuốc uống rồi cho ra thuyền. Sau đó, bệnh trở nặng thêm nên thuyền trưởng chở vô viện lại.”



Với tình trạng sức khỏe ngày càng suy kiệt, sự sống của chàng trai trẻ đang dần đi vào ngõ cụt. Trang thiết bị trên bệnh xá không thể đủ thực hiện ca phẫu thuật sinh tử này. Không còn cách nào khác, các bác sĩ trên đảo Trường Sa buộc phải nhờ vào sự hỗ trợ của bệnh viện Quân y 175. Không thể chần chừ, các bác sĩ tốc hành lên đường đón bệnh nhân.





Mỗi phút trôi qua đều vô cùng quý giá với bệnh nhân cũng như lực lượng cứu hộ bằng đường hàng không. Tất cả đã sẵn sàng, trên gương mặt ai cũng hiện lên vẻ lo lắng, mong ngóng từng giây từng phút để được gặp bệnh nhân. Tình trạng bệnh quá nặng, hy vọng sống của chàng trai mong manh như sợi chỉ tơ. Theo nhận định của bác sĩ, Minh bị Áp-xe vùng cổ, suy hô hấp, nhịp thở tính bằng từng phút. Chuyển bệnh bằng trực thăng nếu không khéo sẽ khiến bệnh nhân tử vong trong khi di chuyển nhưng nếu không đưa đi thì cái chết nằm chắc trong tay.




Không phải lần đầu tiên đội ngũ y bác sĩ Quân y bay ra đảo bằng đường hàng không để cứu bệnh nhưng lần này là trường hợp hi hữu, nguy kịch khiến họ đứng ngồi không yên. Bác sĩ thay nhau ngồi túc trực bên bệnh nhân để theo dõi các chỉ số tim mạch. Sự căng thẳng hiện lên trên khuôn mặt của các chiến sĩ khoác áo blue. Nhanh chóng và khẩn trương, bệnh nhân được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu nhưng sự sống vẫn còn đang rất xa tầm tay.



Ngay lập tức, các bác sĩ, y tá của khoa hồi sức cấp cứu vào cuộc. Tất cả các xét nghiệm cần thiết đã được thực hiện để chẩn đoán và hội chẩn. Bệnh nhân bị nhiễm trùng trung thất cấp độ năng, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp. Chỉ cần một chút sơ sẩy, một trong ba căn bệnh này sẽ cướp đi mạng sống của nạn nhân bất cứ lúc nào. Việc đầu tiên là phải duy trì nhịp thở cho bệnh nhân. Với tình trạng suy hô hấp quá nặng, tràn dịch màng phổi, các bác sĩ đã sử dụng biện pháp tức thời là đặt ống nội khí quản để giải cứu vấn đề hô hấp để duy trì sự sống cho bệnh nhân.



“Nhiễm trùng ở vùng cổ chỉ là nguyên phát lúc ban đầu thôi nhưng ở đây nó có lan xuống nhiễm trùng trung thất và màng phổi. Trung thất có tim và các mạch máu lớn, phổi giữ chức năng hô hấp. Khi đã bị nhiễm trùng cả 2 cơ quan đó rồi thì nguy cơ của bệnh nhân, một là suy hô hấp, hai là dẫn đến tình trạng nhiễm trùng trung thất, nhiễm trùng viêm nội tâm mạc.” - Bác sĩ Lê Minh Tân thuộc khoa ngoại lồng ngực, bệnh viện Quân y 175 chia sẻ.




Trung thất là vị trí trung tâm đầu não, bao gồm tất cả các cấu trúc quan trọng của cơ thể. Trong tích tắc, trung thất bị xâm nhập thì ngay lập tức sẽ lan rộng, gây ra nhiễm trùng máu, sau đó là nhiễm trùng toàn bộ cơ thể. Còn tình trạng suy hô hấp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não. Theo y học, sau 5 phút, thiếu oxy não sẽ tổn thương không hồi phục làm cho bệnh nhân tử vong trong thời gian rất ngắn. Không thể chậm trễ, các bác sĩ chỉ có một phương án duy nhất là xử lý song song cùng một lúc.



Có hai vị trí cần phải làm là rạch áp-xe toàn bộ vùng cổ trước sau đó mở ngực ra để dẫn lưu màng phổi và làm sạch ổ mủ trung thất với hệ thống tưới rửa. Với thể trạng của một người suy hô hấp nặng, tràn dịch màng phổi, giải pháp tạm thời và duy nhất là dẫn lưu khoang màng phổi hai bên. Một tiếng sau khi dẫn lưu, hơn một lít mủ đã được đưa ra khỏi cơ thể. Đã thoát khỏi cửa tử thứ nhất nhưng không có nghĩa bệnh nhân được cứu sống.



Mẹ của nạn nhân, chị Nguyễn Thị Kim Hương vô cùng xúc động khi nhớ lại: “Khi mổ, cháu chỉ có 20% sống thôi. Còn 80% chết. Đêm đó bác sĩ tự đi mổ 3 lần, tự kéo xuống giường, không cần người nhà. Sáng ngày mai, bác sĩ nói rằng thấy người nhà sốc quá nên không biểu người nhà ký. Mổ 7 ngày rồi mà cháu chưa qua cơn nguy kịch. Lúc đó, hai vợ chồng tôi ba ngày ba đêm không ăn không uống gì được.”



Theo như lời lý giải của Tiến sĩ Cù Xuân Thanh, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tim mạch, bệnh viện Quân y 175 thì tỉ lệ bệnh nhân bị áp-xe vùng cổ lan xuống trung thất cũng không nhiều lắm, nhưng nó là một trong những loại nhiễm trùng nặng trong điều trị chuyên khoa. Thời gian trước khi chưa có quan điểm điều trị mới thì tỉ lệ chết do bệnh này rất cao thậm chí từ 50% đến 80%.



Sự sống thật mong manh. Nếu không cẩn trọng, trong tích tắc sẽ va phải lưỡi hái tử thần. 60 ngày vừa qua là 60 ngày đen tối sống trong lo lắng nhưng rồi cơn nguy kịch đã qua đi. Thể trạng, tinh thần biển cả của chàng trai 20 tuổi giúp anh hồi phục rất nhanh. Chỉ ít ngày nữa thôi, Minh trở về với biển để tiếp tục công việc mà ông Minh, cha Minh đã làm bao đời nay là bám biển mưu sinh.
Kevin
Share on Google Plus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét